Bối cảnh lịch sử Đồng tính luyến ái và tâm lý học

Quan điểm coi đồng tính luyến ái là một rối loạn tâm lý đã xuất hiện trong y văn kể từ khi nghiên cứu về đồng tính luyến ái lần đầu tiên bắt đầu; tuy nhiên, tâm lý học với tư cách là một ngành khoa học đã phát triển qua nhiều năm về quan điểm đối với đồng tính luyến ái. Những thái độ hiện tại bắt nguồn từ nền tảng tôn giáo, luật pháp và văn hóa. Một số cộng đồng Cận Đông Cổ đại, chẳng hạn như người Israelite, đã có những quy định nghiêm ngặt về việc cấm hoạt động tình dục đồng giới, và điều này đã dẫn đến việc sử dụng các văn bản tương tự sau này bởi các nhà truyền giáo đầu tiên của Cơ đốc giáo, vốn là hậu duệ của các bộ tộc Israelite; trong đó có Paul đặc biệt đáng chú ý vì đã gián tiếp nhắc đến và củng cố những văn bản như vậy trong các bức thư gửi các giáo hội mới thành lập. Sau đó, các Giáo phụ Tông đồ và những người kế vị của họ tiếp tục lên tiếng chống lại hoạt động đồng tính luyến ái bất cứ khi nào họ đề cập đến nó trong các tác phẩm (còn tồn tại) của họ. Vào đầu thời Trung cổ, Giáo hội Cơ đốc đã bỏ qua đồng tính luyến ái trong xã hội thế tục; tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 12, sự thù địch đối với đồng tính luyến ái bắt đầu xuất hiện và lan rộng qua các thể chế tôn giáo và thế tục của châu Âu. Đã có những biểu hiện chính thức lên án tính chất "phi tự nhiên" của hành vi tình dục đồng giới trong các tác phẩm của Thomas Aquinas và nhiều người khác. Cho đến thế kỷ 19, hoạt động tình dục đồng giới được coi là "không tự nhiên, tội ác chống lại tự nhiên", hay kê gian và bị pháp luật trừng phạt, đôi khi bằng việc tử hình.[5]

Khi người ta trở nên quan tâm hơn đến việc tìm hiểu nguyên nhân hình thành đồng tính luyến ái, y học và tâm thần học bắt đầu cạnh tranh với luật pháp và tôn giáo về quyền xét xử. Đầu thế kỷ 19, người ta bắt đầu nghiên cứu về đồng tính luyến ái một cách khoa học. Vào thời điểm này, hầu hết các lý thuyết đều coi đồng tính luyến ái như một căn bệnh, và từ đó ảnh hưởng lớn đến cách nhìn nhận nó về mặt văn hóa.[6] Có một sự chuyển đổi mô hình vào giữa thế kỷ 20 trong khoa học tâm thần liên quan đến các lý thuyết về đồng tính luyến ái. Các nhà tâm thần học bắt đầu tin rằng đồng tính có thể được chữa khỏi thông qua trị liệu và giải phóng bản thân, và các lý thuyết khác về nguồn gốc di truyền và nội tiết tố của đồng tính dần được chấp nhận. Có nhiều biến thể trong cách coi đồng tính luyến ái là bệnh lý. [5] Một số bác sĩ tâm thần thời kỳ đầu như Sigmund Freud và Havelock Ellis có lập trường ít hà khắc hơn về đồng tính luyến ái. Freud và Ellis tin rằng đồng tính luyến ái là không bình thường, nhưng là "không thể tránh khỏi" đối với một số người. Nghiên cứu và các xuất bản của Alfred Kinsey về đồng tính đã bắt đầu sự thay đổi văn hóa và xã hội ra khỏi việc coi đồng tính là một tính trạng bất thường. Những sự thay đổi quan điểm này trong các nghiên cứu tâm lý về đồng tính luyến ái được thể hiện rõ trong phiên bản đầu tiên của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) năm 1952, và sự thay đổi sau đó vào năm 1973, trong đó chẩn đoán về đồng tính luyến ái bất tương hợp bản ngã đã thay thế danh mục DSM-II về "rối loạn xu hướng tính dục".[6] Tuy nhiên, phải đến năm 1987 trong DSM-III-R, nó mới hoàn toàn được gỡ bỏ khỏi diện rối loạn tâm thần.[7]

Một cuộc khảo sát năm 2016 của Cơ quan Quyền cơ bản của Liên minh châu Âu cho thấy nhiều chuyên gia y tế ở các nước như Bulgaria, Hungary, Ý, Latvia, Ba Lan, Romania và Slovakia tin rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh và những quan niệm sai lầm đó vẫn tiếp tục tồn tại trong các tài liệu chuyên ngành. Điều này đi ngược lại với Khuyến nghị 2010 của Hội đồng Châu Âu(5) trong đó khuyến nghị rằng không nên coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh.[8]

Freud và phân tâm học

Quan điểm của Sigmund Freud về đồng tính luyến ái rất phức tạp. Trong nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân và sự phát triển của đồng tính, lần đầu tiên ông giải thích song tính là một "đặc tính ham muốn tình dục nguyên bản",[9] theo đó ông muốn nói rằng tất cả mọi người sinh ra đều là song tính. Ông tin rằng ham muốn tình dục có một phần đồng tính và một phần dị tính, và qua quá trình phát triển, một cái sẽ thắng cái còn lại.

Một số nguyên nhân khác của đồng tính luyến ái mà ông ủng hộ bao gồm phức cảm Oedipus ngược khi các cá nhân bắt đầu đồng cảm với mẹ của họ và coi chính mình như một đối tượng để yêu. Tình yêu bản thân này của một người được định nghĩa là tính ái kỷ, và Freud nghĩ rằng những người có tính ái kỷ cao sẽ có nhiều khả năng phát triển đồng tính luyến ái hơn bởi vì yêu đồng giới giống như một bản mở rộng của yêu bản thân.[10]

Freud tin rằng liệu pháp chữa đồng tính không thành công bởi vì cá nhân không muốn từ bỏ bản dạng đồng tính luyến ái, thứ mang lại cho họ khoái cảm. Ông sử dụng phương pháp phân tâm họcthôi miên để chữa trị, nhưng ít khi thành công.[11] Nhờ đó mà Freud kết luận rằng đồng tính luyến ái là “không đáng xấu hổ, không đồi bại, không hèn hạ, nó không thể được coi là một căn bệnh, nó chỉ là một biến thể của chức năng tình dục”.[12] Ông còn nói thêm rằng những nhà phân tâm học “không nên triệt bỏ đồng tính luyến ái và để dị tính luyến ái bình thường thế chỗ nó”,[9] vì ông đã rút ra kết luận từ kinh nghiệm của mình, rằng những nỗ lực để thay đổi xu hướng đồng tính luyến ái thường không thành công. Tuy chính bản thân Freud có thể đã có cái nhìn chấp nhận hơn đối với đồng tính luyến ái, những người chịu ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực phân tâm học, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, có quan niệm tiêu cực về đồng tính luyến ái. Họ xem đó là sự bất bình thường bắt nguồn từ những vấn đề trong gia đình và trong thời kì phát triển. Những tư tưởng này có ảnh hưởng mạnh mẽ, là lý do khiến đồng tính luyến ái được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đưa vào hai ấn bản đầu tiên của DSM (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần), định nghĩa nó là một rối loạn tâm thần, và càng gây tiếng xấu cho đồng tính luyến ái trong xã hội.[6]

Havelock Ellis

Havelock Ellis (1859-1939) đã nhận ra rằng mình muốn dành cả cuộc đời để khám phá những vấn đề về tính dục khi còn là một giáo viên ở Úc. Ông trở về Luân Đôn vào năm 1879 và theo học Đại học Y Dược Bệnh viện St. Thomas. Ông bắt đầu viết sách, và vào năm 1896, ông làm đồng tác giả của cuốn Sexual Inversion (“Tình dục Trái ngược”) cùng với John Addington Symonds. Cuốn sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức, và một năm sau đó, nó được dịch sang tiếng Anh. “Sexual Inversion” khám phá những mối quan hệ đồng tính, và vì các tác giả đã tiếp cận đề tài này bằng tư tưởng tân tiến hơn so với thời kỳ đó, họ từ chối hình sự hóa hay bệnh lý hóa những hành động và cảm xúc xuất hiện trong những mối quan hệ đồng tính.[13]

Ellis không đồng ý với Freud trên một vài quan điểm về đồng tính luyến ái, đặc biệt là những quan điểm về cách hình thành. Ông tranh luận rằng những người đồng tính không có phức cảm Oedipus rõ ràng nhưng họ có cảm giác kém cỏi mạnh mẽ, và cảm giác đó bắt nguồn từ nỗi sợ thất bại, và họ cũng có thể sợ cả những mối quan hệ với phụ nữ.[14] Ellis nói rằng những rào cản từ xã hội là một trong những nguyên do khiến tình yêu đồng tính hình thành. Ông tin rằng đồng tính luyến ái không phải là một thứ bẩm sinh, mà  ở một giai đoạn nào đó, con người đều không có lập trường về mặt tình dục, sau đó họ mới lựa chọn một hành vi tình dục và theo nó xuyên suốt. Theo Ellis, một vài người lựa chọn hoạt động đồng tính luyến ái, trong khi những người khác sẽ chọn dị tính luyến ái.[14] Ông bày tỏ rằng một người “đồng tính hoàn toàn”[15] là lệch lạc, vì cá nhân đó thuộc thiểu số, và theo thống kê thì việc đó rất hiếm xảy ra. Nhưng xã hội nên thừa nhận rằng những trường hợp lệch khỏi “sự bình thường” không có hại, và có lẽ còn có giá trị.[13] Ellis tin rằng những vấn đề về tâm lý không chỉ bắt nguồn từ những hành vi đồng tính, mà nó bắt nguồn từ việc một người “gây tổn thương cho bản thân về mặt tâm lý bằng việc đầy sợ sệt mà giới hạn hành vi tình dục của họ.”[14]

Ellis thường được cho là người đã đặt ra từ “homosexuality” (“đồng tính luyến ái”), nhưng trên thực tế, ông xem thường từ đó vì nó có cả gốc Latinh và Hy Lạp. Thay vào đó, ông dùng từ “invert” (“trái ngược”) trong những văn bản đã phát hành của mình. Không lâu sau khi “Sexual Inversion” được xuất bản ở Anh, nó đã bị cấm vì có nội dung dâm dật và khiếm nhã. Ellis biện luận rằng đồng tính luyến ái là một tính chất của một nhóm thiểu số. Nó không đồi bại, không thể cố tình đạt được hay chữa khỏi. Ông vận động thay đổi luật với mục đích để những người lựa chọn sinh hoạt đồng tính được yên. Ông tin tưởng rằng cải cách xã hội có thể xảy ra, nhưng chỉ khi quần chúng được giáo dục. Cuốn sách của ông trở thành bước ngoặt trong việc tìm hiểu về đồng tính luyến ái.[13]

Alfred Kinsey

Alfred Charles Kinsey (1894-1956) là một nhà tình dục học, người đã thành lập Viện Nghiên cứu Tình dục, nay được biết đến với tên gọi Viện Nghiên cứu Kinsey về Tình dục, Giới tính, và Sinh sản. Những khám phá của ông về các hành vi tình dục khác nhau bắt nguồn từ nghiên cứu của ông về các biến thể trong hành vi giao phối của tò vò. Ông tạo ra Thang đo Kinsey, định mức xu hướng tính dục trong phạm vi từ 0 đến 6, 0 có nghĩa là dị tính hoàn toàn và 6 là đồng tính hoàn toàn.[16] Kết quả nghiên cứu của ông biểu thị rằng các xu hướng tính dục có độ biến thiên cao. Kinsey phát hành những cuốn sách “Sexual Behavior in the Human Male” (“Hành vi Tình dục của Nam giới”) và “Sexual Behavior in the Human Female” (“Hành vi Tình dục của Nữ giới”). Hai văn bản này đã mang lại cho ông sự nổi tiếng lẫn tai tiếng. Cách tiếp cận đồng tính luyến ái ở thời kỳ đó chủ yếu là thông qua việc bệnh lý hóa và những nỗ lực thay đổi người đồng tính. Cuốn sách của Kinsey chứng minh đồng tính luyến ái phổ biến hơn những gì đã dự đoán, ám chỉ rằng những hành vi này là bình thường và là một phần của phổ hành vi tình dục.[6]

Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê

Việc áp dụng các phương thức xã hội, y tế và pháp lý cuối cùng đã đưa đồng tính luyến ái xuất hiện trong ấn phẩm thứ nhất và thứ hai của Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán (DSM) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì. Điều này đã góp phần hình thành quan niệm đồng tính luyến ái như một dạng rối loạn tâm thần và kéo dài việc kì thị đồng tính luyến ái trong xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển trong nghiên cứu khoa học và dữ liệu thực nghiệm từ Kinsey, Evelyn Hooker, những người khác đã trực tiếp đương đầu với những quan niệm đó cùng các nhà tâm thần học và tâm lý học trong những năm 1970 đã hoàn toàn thay đổi góc nhìn của họ về đồng tính luyến ái. Những bài kiểm tra như Trắc nghiệm Rorschach, Trắc nghiệm TAT và Trắc nghiệm MMPI chỉ rõ: những người đồng tính nam và nữ không tách biệt với dị tính nam và nữ về thực hiện chức năng. Những nghiên cứu này không thể tiếp tục khẳng định sự phát triển của xu hướng tính dục là do các yếu tố như chức năng gia đình (family dynamics), chấn thương tâm lý và bản dạng giới. Với các nguyên nhân do thiếu dữ kiện cũng như áp lực từ các nhà ủng hộ quyền LGBT ngày càng tăng theo cấp số nhân, Ban Điều hành của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì đã biểu quyết để loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các biểu hiện rối loạn tâm thần trong bản DSM năm 1973. Trong số 17910 người đủ điều kiện để bỏ phiếu có 32% phiếu ủng hộ, 21% phiếu phản đối và 47% không bỏ phiếu.[17] Một năm sau đó, một nhóm nhà tâm thần học đề xuất một cuộc biểu quyết mới. Họ cho rằng lần bỏ phiếu đầu tiên đã bị tác động vào bởi một bức thư do các nhà lãnh đạo hiệp hội hàng đầu kí. Nhiều người không biết rằng họ đã được trả tiền từ Tổ chức Đặc nhiệm LGBTQ Quốc gia (National Gay Task Force). Họ tranh luận rằng bức thư đó lẽ ra phải đề cập rõ ràng tới Tổ chức Đặc nhiệm LGBTQ+ Quốc gia với tư cách là một nhà tài trợ.[6][17] Sau rất nhiều lần trì hoãn và tranh cãi, bản DSM-III-R (1987) đã liệt kê đồng tính luyến ái trong danh sách rối loạn tâm thần.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồng tính luyến ái và tâm lý học http://www.psychology.org.au/Assets/Files/LGBT-Fam... http://www.cpa.ca/cpasite/userfiles/Documents/Marr... http://www.cpa.ca/cpasite/userfiles/Documents/advo... //citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/summary?doi=10.1.1... http://psychology.ucdavis.edu/rainbow/html/AP_06_p... http://psychology.ucdavis.edu/rainbow/html/resolut... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10596508 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11499118 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12567166 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12653422